Thật tình chẳng ai muốn rời xa mảnh đất quê hương để đến vùng đất khác. Nhưng hồi đó ngoài quê lụt hoài,àokhímiềnĐôngVềđấtĐồngNaiăntômìQuảiphone 13 cũ nắng cháy da, mấy mảnh ruộng cạn xợt dưới chân núi không đủ nuôi bầy con nheo nhóc. Vợ chồng cậu dắt díu ra đi cùng với rất nhiều người đồng hương Quảng Nam khác. Mồ hôi đổ xuống, đất lạ trổ sinh những ngọt lành. Để rồi từ những người ngụ cư, họ đã trở thành những chủ nhân thực sự của vùng đất này.
Một buổi chiều mưa sụt sùi, xe đò dừng ở ngã ba Núi Tượng. Tôi từ TP.HCM xuống chơi nhà cậu mợ. Nhìn màn mưa giăng ngoài trời, tôi buột miệng nói trời mưa vầy có tô mì Quảng như ở quê ăn thì sướng quá. Mợ tôi nói "chi chứ mì Quảng dễ ẹc". Tôi mặc áo mưa theo mợ đi mua mì. Vừa xúc động, vừa ngạc nhiên, vừa lạ lùng khi thấy giữa vùng đất lạ lại có lò mì Quảng tráng tay như ở quê. Từng lá mì trắng phau, mềm mướt được lấy ra trên tấm vải căng trên nồi nước sôi sùng sục. Căn nhà ấm sực mùi quê. Người đàn bà vừa nhanh tay tráng bánh vừa hỏi tôi "ở ngùa nớ mới dô hả con?''. Tôi nói mình trên Sài Gòn xuống chơi. Cô nói mình vào đây cũng gần ba mươi năm. Ngoài quê làm mì, vô đây cũng tráng mì bán. Bà con quê mình trong ni đông, người dân trong ni cũng ưng ăn mì Quảng nên không sợ mì ế! Quanh đây cũng có ba lò mì Quảng tráng tay như vầy. Tôi hiểu có những người dẫu đi đến xứ nào cũng mang theo hồn cốt quê nhà.
Có mấy người đồng hương là người quen của cậu mợ ghé chơi nhà. Họ trò chuyện rổn rảng. Chất giọng dẫu có pha chút giọng Nam nhưng vẫn không thể giấu đi được gốc gác quê nhà. Người khử nén với dầu phụng um nhưn gà, người tước chuối cây làm rau sống, người lột tỏi giã chén nước mắm. Bữa mì Quảng y xì ở quê được dọn lên. Mợ tôi nói không khó để có rổ rau sống chuối cây, ớt xiêm xanh hay cái bánh tráng nướng giòn trên than hồng ở đây... Ăn tô mì Quảng, nghe "chi mô răng rứa", tôi ngỡ mình đang ở quê chứ không phải ở giữa Đồng Nai. Họ nhắc lại cuộc ra đi hơn ba mươi năm trước của mình và biết ơn vì hồi đó đã chọn đúng mảnh đất Tân Phú này để ký thác ước vọng đổi đời.
Cậu tôi nói không chỉ riêng ở đây mà ngoài huyện Định Quán, đồng hương xứ Quảng của mình đông lắm. Ngoài Trảng Bom, có một ấp mang tên Quảng Đà được gọi tắt từ cái tên Quảng Nam - Đà Nẵng. Hồi đó, cả làng di cư vào xã Đông Hòa (Trảng Bom) lập làng lập xóm. Địa phận ấp ngày đó còn hoang vu, cây cối rậm rạp. Chính họ là người khai phá rồi dựng nhà dựng cửa. Đã rời xa quê xứ nhưng cái tên Quảng Đà luôn nhắc nhở họ và các thế hệ cháu con về nơi chôn nhau cắt rốn. Tính tới bây giờ, thế hệ thứ ba đã sinh ra và lớn lên ở đây. Cậu từng ghé đó chơi. Mấy ông bà già vẫn giữ được giọng quê, mấy lò mì Quảng tráng tay vẫn đỏ lửa đêm ngày giống ở đây. Theo chân người, mì Quảng cũng làm một cuộc tha hương rất dài. Nơi nào có người Quảng, nơi đó có mì Quảng. Mấy quán mì Quảng ở xứ người biến tấu, nêm nếm cho hợp người hợp cảnh.
Xa quê nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác lạc lõng hay thấy mình lẻ loi. Thỉnh thoảng nhớ quê, tôi lại chạy lên chợ Bà Hoa để ăn món Quảng, để gặp người Quảng, cười nói bằng giọng rặt Quảng.
Ừ thì ở miền Đông này, chỗ nào cũng nhìn thấy quê hương!
Cậu kể, hồi nớ đi xe đò một ngày một đêm mới tới nơi. Đứng ở ngã ba Núi Tượng với vài bộ quần áo mà băn khoăn không biết mình sẽ sống sao ở mảnh đất của người dưng này. Rồi cái tiệm tạp hóa bé xíu với chai dầu ăn, nước mắm, gói bột ngọt dựng lên. Ngày qua ngày, cái tiệm lớn dần, hàng hóa nhiều thêm. Cậu bán thêm phân bón, thuốc trừ sâu, mở thêm cửa hàng vật liệu xây dựng. Giờ ngay ngã ba Núi Tượng có tiệm tạp hóa rất lớn mang tên Khanh Dung… Nhấp ngụm trà, cậu nói miền Đông này vậy mà dễ sống, bà con sống thiệt thà, nhân nghĩa lắm. Mà đâu chỉ riêng cậu là người dân khác tới. Ở đây nghe giọng từ Thanh Hóa, Nghệ An, giọng Quảng Bình, giọng Hà Nội, đủ cả. Con người cũng như mọi giống loài đều chọn nơi đất lành neo đậu!
Miền Đông muôn thuở đất hiền. Không thấy cái nắng rát da thịt, không có những cơn bão, những mùa lụt triền miên như miền Trung hay cái rét cắt da cắt thịt như miền Bắc. Đất đai màu mỡ, cây cối mướt xanh. Từ bàn tay người mọc lên những vườn cao su, vườn tiêu, vườn điều, vườn trái cây trĩu quả… Dĩ nhiên trong cuộc mưu sinh cũng có những lần thất bát, nhưng đất đai luôn bao dung và luôn cho người cơ hội để bắt đầu lại.
Đất đai hiền lành, lòng người hào sảng. Cậu tôi nói hầu như chẳng ai để ý đến gốc gác, quê hương hay phân biệt vùng miền. Dưới bầu trời này ai cũng như ai. Có những cuộc nhậu mà trên bàn có nem chua Thanh Hóa, có đĩa lòng luộc chấm mắm tôm đúng kiểu Bắc, đĩa gỏi xoài khô sặc miền Tây. Ai có gì góp nấy, cụng ly, hỉ hả nói cười coi nhau như anh em, thân thuộc cả. Cậu nói cũng đã từng làm biết bao nhiêu bữa mì Quảng cho mọi người ăn. Ai cũng gật gù, cũng khen cái vị xứ Quảng đậm đà.
Và tôi, học xong cũng đã chọn gá nghĩa cuộc đời mình với mảnh đất miền Đông này. Cái tình, cái nghĩa, sự bao dung suốt những năm tháng thanh xuân đã níu tôi ở lại. Xa quê nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác lạc lõng hay thấy mình lẻ loi. Thỉnh thoảng nhớ quê, tôi lại chạy lên chợ Bà Hoa để ăn món Quảng, để gặp người Quảng, cười nói bằng giọng rặt Quảng.
Ừ thì ở miền Đông này, chỗ nào cũng nhìn thấy quê hương!
Gia hạn nhận bài dự thi viết "Hào khí miền Đông"đến 30.11.2023
Đáp lại sự quan tâm và yêu mến của độc giả đối với cuộc thi viết "Hào khí miền Đông", Báo Thanh Niênquyết định gia hạn nhận bài dự thi đến hết 30.11.2023, giúp các tác giả có thêm cơ hội tham gia.
Chính thức phát động từ ngày 21.7, cuộc thi viết "Hào khí miền Đông" do BáoThanh Niênphối hợp cùng Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 tổ chức nhận được hàng trăm bài dự thi của các tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc. Mỗi bài dự thi đều thấm đẫm tình yêu thương, sự gắn bó cùng mong muốn đóng góp cho các tỉnh thành Đông Nam bộ ngày một giàu đẹp, vững mạnh.
Theo kế hoạch ban đầu, cuộc thi sẽ ngưng nhận bài dự thi vào ngày 15.11.2023. Tuy nhiên, trong những ngày cuối, ban tổ chức liên tục nhận được rất nhiều bài dự thi chất lượng. Số lượng tác phẩm tăng vọt trong giai đoạn cuối cho thấy sức nóng của cuộc thi vẫn còn rất lớn. Nhiều độc giả chia sẻ mong muốn được tham gia và rất tâm huyết với cuộc thi lần này.
Vì lẽ đó, BáoThanh Niên quyết định kéo dài thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 30.11.2023, tăng hơn 2 tuần so với thời gian dự kiến trước đó. Đây là động thái phù hợp nhằm giúp các tác giả yêu mến cuộc thi viết "Hào khí miền Đông" có thể gửi "đứa con tinh thần" của mình, đồng thời có cơ hội nhận về các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá lên đến 120 triệu đồng cũng như xuất hiện trong tuyển tập quy tụ các bài viết chất lượng sau cuộc thi.
Ban Biên tập BáoThanh Niênmong nhận được sự ủng hộ của quý độc giả cũng như các tác giả với những thay đổi nói trên. Hy vọng các tác giả sẽ tận dụng cơ hội, tiếp tục cống hiến các bài dự thi hay, nhiều cảm xúc cho cuộc thi nói riêng và độc giả cả nước nói chung.
Thanh Niên